Friday, June 12, 2015

Chương 1 (B) - Ngoại Giao


Chương 1 (3)
NGOẠI GIAO

     goài những khó khăn chính trị, khó khăn ngoại giao cũng là một vấn đề đáng kể. Trên danh nghĩa Chính phủ Việt Minh đưa ra Tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 năm 1945, và tuyên bố Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ cộng hoà, nhưng thực tế, không có một nước nào trên thế giới công nhận chính phủ đó, kể cả Nga sô. Vì thế, trong chính phủ lâm thời lúc đầu, Hồ Chí Minh làm chủ tịch kiêm cả Ngoại giao, và sau đó bộ này được giao cho ông Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) nhưng chẳng biết ngoại giao với ai ngoài Bộ tư lệnh Nhật trong những ngày khởi nghĩa, và sau đó với tướng Lư Hán, tư lệnh đạo quân Trung Hoa Quốc gia. Ngoại giao với Nhật vỏn vẻn gồm 2 vấn đề chính: Thứ nhất, yêu cầu binh sĩ Nhật đứng ngoài cuộc tranh cướp giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia, đừng xen vào chuyện chính trị nội bộ Việt Nam. Thứ hai, yêu cầu quân đội Nhật trao hết vũ khí cho Việt Minh. Điều kiện thứ nhất thì quân đội Nhật đã bằng lòng, nhờ thế mà Việt Minh được chính quyền dễ dàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác, vì nếu Nhật không bằng lòng, quyết ra tay ngăn cản để chờ Đồng minh tiến vào thì thử hỏi cục diện Việt Nam bây giờ sẽ ra sao? Điều kiện thứ hai. Nhật không chấp nhận, viện lẽ đã được lệnh giữ vẹn toàn bộ vũ khí để trao lại cho Đồng minh. Dầu vậy, tại một vài nơi như Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Yên Bái v.v… 
Việt Minh cũng đột kích lấy được ít nhiều, đủ dùng để thị uy với quần chúng trong những ngày khởi nghĩa. Đối với tướng Lư Hán, vì không phải là quân đội một nước bại trận như Nhật, lại thêm được sự uỷ quyền của Đồng minh theo hiệp ước Postdam, có nhiệm vụ tiến vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật, nên chính phủ Việt Minh không có tư cách gì để đưa yêu sách. 
 Hơn thế, đạo quân của tướng Lư Hán lại là những đơn vị chính qui trong quân đội Trung Hoa Quốc gia - một nước từng giúp đỡ cách mạng Việt Nam rất nhiều và đang lo tiêu diệt Cộng sản, nên vấn đề ngoại giao giữa Việt Minh với tướng Lư Hán thật là khó khăn và tế nhị, vì Việt Minh cũng là Cộng sản. Trong vấn đề này, Việt Minh chỉ còn một cách là mơn trớn vuốt ve, dùng vàng bạc, châu báu, gái đẹp, thuốc phiện, lấy lòng được chừng nào hay chừng ấy. Vấn đề ngoại giao giữa chính phủ Việt Minh và tướng Lư Hán cũng gồm hai việc chính: thứ nhất làm sao để các tướng tá Trung Hoa Quốc gia cho yên thân và tự do củng cố chính quyền ngay giữa thủ đô, vừa mới thành lập đang quá yếu ớt, còn ở các tỉnh Việt Bắc, Quốc dân Đảng muốn làm gì thì làm, sau này sẽ hay. Hồi này, giữa thủ đô Hà Nội, tướng Lư Hán như một ông vua, hay như một quan Thái thú đời xưa - một Tôn Sĩ Nghị với 200 nghìn binh sĩ trong tay, giả sử ông ta phẫn nộ, thét lên một tiếng thì chắc chính quyền Việt Minh sẽ gặp chuyện chẳng lành. Tướng Lư Hán làm vua đã đành, binh sĩ thuộc quyền ông ta cũng là chúa nữa. Suốt một dãy từ vĩ tuyến 16 trở ra, họ chia nhau chiếm đóng các thành phố, canh gác các trục lộ giao thông trọng yếu chặn ở mỗi đàu cầu, các bến phà, khám xét tất cả mọi người qua lại, nhất là những đoàn xe chở hàng. Họ hạch sách, cướp bóc người dân Việt Nam, hãm hiếp đàn bà con gái; tung tiền Quan Kim, Quốc Tệ mua bán bừa bãi phá hoại nền tài chính Việt Nam. Tất cả những cảnh đó diễn ra hàng ngày trước mắt mà chính quyền Việt Minh chẳng dám can thiệp. Thứ hai, Việt Minh muốn tìm cách tách rời các cán bộ Quốc dân Đảng ra khỏi vòng thế lực của tướng Lư Hán, mong tướng Lư Hán đừng ngấm ngầm giúp đỡ những thành phần chống đối này. Cũng nhờ thế lực của tướng Lư Hán mà trong những ngày lưu lại Hà Nội, làm cố vấn tối cao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cựu Hoàng Bảo Đại vẫn có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật quốc gia để bàn thảo kế hoạch tương lai, có khi cũng liên lạc với các nước bên ngoài nữa. Hồi này, nhiều nhân vật quốc gia đã đưa ra ý kiến mời cố vấn Vĩnh Thuỵ trở lại nắm chính quyền thay thế Hồ Chí Minh, và trước tư dinh của Cựu Hoàng phố Hàng Cỏ đã xảy ra vài cuộc biểu tình để ủng hộ đề nghị trên. Trước tình thế đó chính phủ Việt Minh càng phải hoạt động ngoại giao ráo riết với Trung Hoa quốc gia qua tướng Lư Hán, và việc Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán ngày 11-11-1945, một phần cũng nằm trong chính sách ngoại giao đó. Dù vậy, chính phủ Việt Minh cũng không thể giữ nổi công dân Vĩnh Thuỵ ở lại trong nước, vì một đêm nọ, ông ta được binh sĩ của tướng Lư Hán che chở hộ tống ra phi trường Gia Lâm phía bên kia cầu Long Biên, nơi đây có một chiếc phi cơ đặc biệt chờ sẵn, chở cựu Hoàng qua Côn Minh để năm 1949, giải pháp Bảo Đại thành hình. Dầu sao thì chính phủ Việt Minh cũng đã thành công phần nào trong việc ngoại giao với quân đội Nhật và với quân đội của tướng Lư Hán, nhưng những thành công này chỉ đem lại thiệt hại cho phe quốc gia, và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới chiến tranh Việt Nam hiện nay. Ngoài việc ngoại giao với quân đội Nhật và với quân đội của tướng Lư Hán, Chính phủ Việt Minh còn một công tác ngoại giao khác quan trọng hơn, liên hệ tới Hoa Kỳ. Đó là việc làm sao để Hoa Kỳ tin họ không phải là Cộng sản, không có ý định thiết lập một chính quyền Cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam, hầu Hoa Kỳ viện trợ tiền bạc, vũ khí và nhất là dùng ảnh hưởng ngăn chặn Pháp trong mưu đồ trở lại tái chiếm Đông Dương. Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ tiết lộ hồi 1971, được một số báo chĩ Mỹ đăng tải cho biết từ cuối 1945 đến đầu 1946, Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu can thiệp để chống lại việc Pháp muốn phục hồi quyền cai trị Đông Dương và xin cho Việt Nam được tự trị dưới sự bao trợ của người Mỹ giống như Phi Luật Tân sau năm 1934. Mặt khác, vẫn theo tài liệu mật của Ngũ Giác Đà thì năm 1944, trung tá Lucien Conein, một trong những tay hoạt động lanh lợi và kinh nghiệm nhất của cơ quan Trung ương tình báo Hoa Kỳ (CIA), đã nhảy dù xuống chiến khu Việt Bắc, giúp Việt Minh tổ chức du kích kháng chiến chống Nhật. Chỗ viên trung tá Mỹ Lucien Conein nhảy xuống là chiến khu Đình Cả. 
 Một tài liệu của Việt Minh nói về “Lịch sử cách mạng cận đại” tiết lộ rằng vào khoảng tháng 7-1944, nổ ra cuộc vũ trang khởi nghĩa Vũ Nhai - Đình Cả do một chủ trương sai lầm của đảng bộ địa phương. Ngày 28 tháng 9 năm 1944, Đình Cả - Vũ Nhai lại tuần hành thị uy, hưởng ứng lệnh khởi nghĩa của đảng bộ địa phương, và quân du kích Việt Minh giao chiến nhiều trận với Nhật. Nhận được tin Đình Cả - Vũ Nhai khởi nghĩa, Trung ương Đảng cộng sản đã nhận định và ra lệnh phải đình chỉ ngay các cuộc võ trang chiến đấu, và phải tức tốc rút lui khéo léo. Không biết viên trung tá tình báo Hoa Kỳ Lucien Conein có liên quan gì tới cuộc võ trang khởi nghĩa này không, chỉ biết rằng sau này, vào năm 1963, ông ta lại nhúng tay vào cuộc đảo chính 1-11-1963, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và ngày nay, thình thoảng người ta lại thấy ông ta xuất hiện ở Sài gòn, không biết vì nhiệm vụ bí mật gì. Tiếc rằng cả hai tài liệu không hề nói tới quyết định nào của Chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ về lời yêu cầu của Hồ Chí Minh, nhưng căn cứ vào những diễn biến sau đó thì Hoa Kỳ đã giúp Pháp trở lại Đông Dương rồi lại tìm cách hất cẳng Pháp. Việc chính phủ Việt Minh bị cô lập ngoại giao trong những năm sau là việc đương nhiên, không có gì là khó hiểu. Trước hết, trận Đệ Nhị Thế Chiến đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các quốc gia, nhất là những quốc gia châu Âu thì lại càng bị thiệt hại kinh khủng hơn. Khi trận thế chiến kết thúc, nội bộ các nước lại rối bời, nên việc ổn đinh tình hình, tái thiết xứ sở là điều quan yếu. Thứ đến sau Đệ nhị thế chiến, thế lực Mỹ -Nga bao trùm cả 5 châu, hai nước trở thành hai siêu cường, lãnh đạo khối Cộng sản và khối Tự do, nên không quốc gia nào có thể tự ý vạch một đường lối ngoại giao riêng rẽ, mà cần phải phù hợp với chính sách đối ngoại chung của Mỹ hoặc Nga. Riêng đối với Việt Nam, là vì xứ thuộc địa cũ của Pháp, mà Pháp lúc bấy giờ vừa được Đồng minh giải phóng xong thì tại xứ Congo Brazaville, tướng De Gaulle đã vội vã lên tiếng về một chính sách mới đối với thuộc địa, nên thế giới, nếu có biết tới Việt Nam thì cũng chỉ biết qua nước Pháp. 
Về phần các nước Cộng sản, lúc bấy giờ, ngoài Nga sô, chưa một quốc gia nào chủ nghĩa này thành hình một cách rõ rệt, kể cả Trung Cộng, nên Chính phủ Hồ Chí Minh bị lẻ loi. Đằng khác, Chính phủ Hồ Chí Minh chỉ đóng đô ở Hà Nội không đầy một năm, sau đó phải chạy vào chiến khu Việt Bắc vì chiến tranh Việt- Pháp, và qua năm 1949, khi Hiệp định Vịnh Hạ Long ra đời do sự ký kết giữa Bảo Đại với Pháp thì chính phủ Hồ Chí Minh gần như mất hết danh nghĩa đối với khối Tự do. Mãi tới cuối 1949 khi Cộng sản Trung Hoa thôn tính lục địa, Mao Trạch Đông chính thức tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và chủ nghĩa Cộng sản cũng đã ngự trị tại nhiều quốc gia Đông Âu, lúc bấy giờ, chính phủ Hồ Chí Minh được khối anh em xã hội chủ nghĩa nhìn nhận. Quốc gia Cộng sản đầu tiên nhìn nhận chính phủ Hồ Chí Minh là Trung Cộng (ngày 15-1-1950), tiếp đến là Nga sô ngày 30-1-1950; Triều Tiên ngày 31-1-1950; Tiệp Khắc, Lỗ Mã Ni ngày 3-2-1950; Ba Lan - Hung gia Lợi ngày 4-2-1950; Bulgarie ngày 5-2-1950; và Albanie ngày 13-3-1950.

No comments:

Post a Comment