Friday, June 12, 2015

Chương 4 Sự liên hệ của các ngoại cường trong chiến tranh Việt Nam

 
Chương 4
Sự liên hệ của các ngoại cường trong chiến tranh Việt Nam
     guyên nhân sâu xa đưa tới cuộc chiến tranh Việt Nam hiện nay là sự cấu kết, tranh giành ảnh hưởng của các ngoại cường trên mảnh đất nhỏ bé này. Chính sự cấu kết, sự tranh giành ảnh hưởng đó một chiến tranh Việt Nam kéo dài đã hơn một phần tư thế kỷ, và chưa biết đến ngày nào mới thực sự chấm dứt. Thật vậy, sau chiến tranh thế giới II, nhiều quốc gia Đông Âu, Trung Đông, Tiểu Á, Đông Nam Á vẫn tiếp tục có chiến tranh trong phạm vi nhỏ hẹp, nhưng những cuộc chiến tranh đó sớm chấm dứt, chỉ riêng Việt Nam là triền miên. Sở dĩ Việt Nam chịu số phận hẩm hiu đó, như trên vừa trình bày, tại Việt Nam nằm vào một vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam Á; Là nơi mà Hoa Kỳ gọi là tiền đồn bảo vệ Thế giới Tự do; là nơi mà Trung Cộng - Nga Sô coi như đất dụng võ thuận lợi để vừa thử sức Hoa Kỳ, vừa vật lộn nhau vì tranh chấp quyền lợi và ngôi thứ giữa hai nước đàn anh cùng chung một chủ nghĩa. Ngoài Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga Sô; còn một quốc gia khác đáng kể là nước Pháp. Chính Pháp là kể châm ngòi Chiến tranh Việt Nam trước tiên để ngọn lửa tai ác cứ bùng lên mãi. Pháp quốc, như chúng ta biết, là một nước theo chủ nghĩa tư bản châu Âu, và khi chủ nghĩa này phát triển mạnh thì tiến đến quá trình một nước thực dân đế quốc, cất quân xâm chiếm nước ngoài để giành thị trường và sau đó, biến thành thuộc địa. Không phải mãi tới cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, tư bản Pháp mới chú ý tới thị trường Việt Nam. Trên đường đi tìm thuộc địa, ngay từ 1680, thực dân Pháp đã dòm ngó đến Việt Nam, và qua năm 1696, họ đã lăm le xâm chiếm đảo Côn Sơn, vì đảo này năm trên đường giao thông từ châu Âu qua lục địa rộng lớnTrung Hoa. Lý do cấp bách khiến Pháp phải đưa tầu chiến sang gây hấn rồi chiếm lấy Việt Nam là vì giữa thế kỷ thứ 18, nhiều nước tư bản châu Âu khác cũng trên đường sang châu Á tìm thuộc địa như Pháp, trong số đó có tư bản Anh là nguy hiểm nhất. Năm 1749, tên tư bản Pháp Pierre Poivre đã tới Việt Nam xin yết kiến Chúa Nguyễn Võ Vương, và khi về Pháp, trình lên vua Pháp Louis thứ 15 là nên mau mau đưa quân sang chiếm giữ lấy mảnh đất mầu mỡ nhưng còn lạc hậu này, nếu chậm trễ, e sợ người Anh phỗng tay trên. Năm 1784, Pháp có cơ hội bằng vàng, ngàn năm một thuở khi Chúa Nguyễn Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn rồi nhờ Đức Cha Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp ký hiệp ước Versaille, rồi được vua Louis 16 của nước Pháp giúp 4 chiếc tầu chiến cùng 1.750 lính. Với hiệp ước Versaille năm 1784, Chúa Nguyễn Ánh phải hứa nhượng cho Pháp hai cảng Đà Nẵng và đảo Côn Sơn; ngoài ra, Pháp còn được độc quyền buôn bán trên đất Việt Nam, và khi nào Pháp lâm chiên tranh, cần lương thực, lính tráng thì Chúa Nguyễn Ánh phải giúp sức. Vì hiệp ước này mà sau khi Chúa Nguyễn Ánh dẹp Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi lấy tên là Gia Long, vua Louis 18 đòi thi hành các điều khoản đã được ký kết. Việc nước Pháp bắt vua Việt Nam thi hành hiệp ước Versaille là một trong những nguyên nhân khiến Pháp cất quân sang đánh chiếm luôn xứ này, rồi đặt nền đô hô lâu dài, ngót 100 năm. Đời Gia Long, tình hình giao thương giữa Pháp và Việt Nam chưa căng thẳng lắm; nhưng qua triều Minh Mạng - Tự Đức thì mọi chuyện đều bế tắc, vì hai ông vua này cứng đầu, chẳng những không thi hành hiệp ước mà còn bắt bớ các giáo sĩ người Pháp và cấm cách đạo Gia-Tô. Lịch sử Việt Nam ghi lại rằng năm 1821, vua Louis 18 của nước Pháp đòi vua Minh Mạng Việt Nam phải mở cửa biển cho tầu Pháp vào buôn bán. Qua đến năm 1847, Pháp lấy cớ vua Thiệu Trị cấm đạo, sát hại các giáo sĩ người Pháp, nên họ cho tầu chiến bắn phá cửa Đà Nẵng lần thứ nhất, rồi tới năm 1856, bắn phá lần thứ hai. Năm 1858, quân Pháp đổ bộ Đà Nẵng; năm 1859, quân Pháp đặt chân lên đất Sài gòn, và năm 1861 thì chiếm Côn Sơn. Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ; năm 1867 chiếm nốt 3 tỉnh còn lại ở miền Tây, và từ năm 1873 thì hạ thành Hà Nội. Ngày 25-8-1883, triều đình Huế đầu hàng, ký hòa ước nhận quyền bảo hộ của Pháp. Chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp trên đất Việt Nam như thế nào tưởng khỏi cần nhắc lại, vì ai ai cũng đã thừa hiểu, chỉ cần ghi lại đây vài con số để thấy nước Việt Nam nói riêng, và toàn cõi Đông Dương nói chung, đã làm giàu cho nước Pháp như thế nào: Đầu tư của Pháp từ 1888 đến 1918 Công nghiệp và khai thác mỏ: 249 triệu Francs - Giao thông vận tải: 128 triệu Francs - Thương nghiệp: 75 triệu Francs - Nông nghiệp: 40 triệu Francs Từ năm 1924 đến 1930, con số này cao gấp 30 lần, chia ra như sau - Nông nghiệp: 1.272,6 triệu Francs - Khai thác mỏ: 653,7 triệu Francs - Công nghiệp: 606,2 triệu Francs - Giao thông vận tải: 174,2 triệu Francs - Thương nghiệp: 363,6 triệu Francs - Ngân hàng: 739,1 triệu Francs Mấy con số trên đây tuy sơ lược nhưng cũng thấy mỗi năm tư bản Pháp càng bỏ thêm vốn vào công cuộc đầu tư ở Việt Nam, và thu về cho mẫu quốc những món lợi kếch xù không kể xiết. Trong trận chiến tranh thế giới II, mức thu lợi của Pháp ở Đông Dương bị tụt xuống, nhưng vẫn dư tiền cung phụng cho mẫu quốc đầy đủ, và những số tiền cung phụng đó, dân Việt Nam phải nai lưng ra gánh chịu. 
 Trong các ngành đầu tư của Pháp ở Việt Nam, chỉ có ngành nông nghiệp, khai thác hầm mỏ và trồng cao su là thu lợi lớn nhất. Nhờ 3 ngành này mà số xuất cảng hàng năm lên cao. Về nông nghiệp, chẳng hạn năm 1913, tổng số ruộng đất mà Pháp khai khẩn ở Việt Nam chỉ mới 470 ngàn mẫu, vậy mà tới 1930, con số này đã tăng lên 760 ngàn mẫu, tức chiếm khoảng một phần sáu (1/6) tổng số ruộng đất toàn cõi Đông Dương. Về cao su, năm 1917, diện tich trồng là 17 ngàn mẫu; nhưng tới năm 1931 thì tăng lên 100 ngàn mẫu với số vốn đầu tư 400,7 triệu Francs. Về than đá, năm 1935, Pháp khai thác được khoảng 1.775.000 tấn, nhưng tới năm 1939 thì tăng lên 2.615.000 tấn v.v. Nhờ mức khai thác bất cứ ngành gì cũng tăng lên nên số hàng hóa xuất cảng cũng tăng rất nhanh, chẳng hạn năm 1934 toàn cõi Đông Dương xuất cảng 3.437.000 tấn hàng trị giá 106 triệu đồng tin năm 1939, nó đã tăng lên 4.702.000 tấn, trị giá 350 triệu đồng. Những con số của tài liệu Cách mạng Việt Nam ghi trên đây cho thấy Pháp càng đầu tư, càng khai thác sức mạnh ở Việt Nam nhiều chừng nào thì người dân Việt Nam càng bị bóc lột tận cùng chừng ấy, và cho thấy quyền lợi của tư bản Pháp ở Việt Nam lớn lao như thế nào! Đi cai trị xứ người là bóc lột, đấy là một nguyên tắc bất di bất dịch của thực dân, dù là thực dân mới gay cũ. Chính viên Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut trong “Grandeur et Servitude Coloniales” cũng đã từng nhận định rằng việc khai thác thuộc địa là một hình thức bóc lột, vụ lợi bằng bạo lực. Khi những dân tộc đi tìm thuộc địa ở những lục địa xa xôi và chiếm đoạt những xứ đó thì trước hết họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân họ, chỉ hoạt động cho sự thịnh vượng hùng cường của nước họ. Họ thèm khát những thị trường buôn bán và những chỗ dựa chính trị. Như vậy, việc khai thác thuộc địa chỉ là một hình thức kinh doanh, phục vụ một chiều cho lợi ích cá nhân của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Đoạn báo cáo sau đây của viên Chánh thanh tra các sở mỏ Desrousscaux trình lên Toàn quyền Đông Dương càng chứng minh hơn những nhận định vừa nêu của Albert Sarraut: “Một tâm lý bất di bất dịch là dân nhà quê Việt Nam chỉ khi nào bị đói rã người, họ mới chịu rời quê hương để đi xa kiếm ăn. Vậy muốn tránh tình trạng khan hiếm nhân công ở các hầm mỏ và các đồn điên cao su thì phải bần cùng hóa nông thôn, ha giá các loại sản phẩm nông nghiệp”. Bần cùng hóa Việt Nam và hạ giá các loại sản phẩm nông nghiệp, chủ đích là dồn người dân nghèo đói Việt Nam vào bước đường cùng, để rồi không biết lấy gì ăn qua ngày, rốt cuộc phải đi làm phu cho thực dân Pháp. Nhưng đời sống phu phen trong các hầm mỏ, và nhất là trong các đồn điền cao su có được bảo đảm không? Vậy, chúng ta hãy nghe Henri de Montpezat trong một bài đăng trên trên tờ Volonté Indochinoises ngày 10-8-1927. Bài này, Henri de Montpezat tả cảnh thực dân Pháp mộ phu ở Bắc Việt giống như cảnh buôn bán người nô lệ thời xưa - mà còn bị còn bì ổi hơn thế nữa - vì mỗi người phu chỉ được mua với giá 5 đồng (5 đồng hồi 1927 trị giá bằng 5 ngàn bây giờ), và sau đó bị bóc lọt cùng cực đến còn da bọc xương, đa số bị chết thảm thương. Về số tử của các công nhân người Việt tại những đồn điền cao su do Pháp khai thác, theo báo cáo của một Nghị sĩ trong phiên họp ngày 3-12-1928 tại Hạ viện Pháp thì riêng ở công ty đồn điền cao su Terra Ronger (đồn điền đất đỏ), trong khoảng 11 tháng, thấy khai tử 123 người với tổng số 659 công nhân. Tại công ty Cây Nhiệt đới năm 1927, trong số một nghìn công nhân thì có 474 người chết! Trung bình, số công nhân chết tại các đồn điền vào khoảng từ 40 đến 50%. Mấy con số trích dẫn khiêm nhượng trong kho tài liệu “Cách mạng cận đại Việt Nam” trên đây, cho thấy sự bóc lột dã man tàn ác của thực dân Pháp ở Đông Dương như thế nào! Sở dĩ chúng tôi phải trích dẫn một ít tài liệu này là cốt nói lên rằng không một ngoại bang tư bản hùng mạnh nào thèm thương hại đến dân tộc nhỏ bé Việt Nam, và khi người mạnh nói giúp kẻ yếu thì hãy coi chừng, vì sự giúp đỡ sẽ là màn đầu của cuộc chinh phục. Việc triều dình nước Pháp nhận giúp Nguyễn Ánh 4 chiếc tầu chiến với 1.750 binh sĩ để đánh Tây Sơn một điển hình. Điển hình khác liên quan tới cuộc chiến Việt Nam hiện nay là việc phát xít Nhật noi gương tư bản thực dân châu Âu, dùng thuyết Đại Đông Á và chủ nghĩa da vàng để đi chinh phục. 
Như chúng ta biết, Nhật là nước châu Á duy nhất không bị thực dân châu Âu cai trị, có một nền kỹ nghệ phát triển chẳng thua kém gì các nước tư bản châu Âu, và cũng theo chủ nghĩa tư bản như châu Âu nữa. Nhưng tư bản Nhật sinh sau đẻ muộn, cũng như tư bản Ý và Đức; vì thế nên sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu xảy ra (vào khoảng 1929-1934), bọn Quốc xã Đức-Ý và Nhật liền liên minh với nhau tranh giành thị trường với các nước tư bản kỳ cựu châu Âu. Cuộc tranh giành thị trường này là nguyên nhân đưa đến chiến tranh thế giới II. Bên trời Âu, Đức - Ý tung hoành, xua quân xâm lăng, hùng hổ chiếm hết nước này đến nước khác, trong số có cả nước Pháp. Bên trời Á, ngay từ 1931, Nhật đã chiếm Mãn Châu và vùng Đông bắc nước Trung Hoa là vùng có nhiều tài nguyên phong phú, để thiết lập những cơ sở kỹ nghệ lớn. Ngày 7-7-1937, Nhật mở rộng cuộc chiến tranh xâm lăng Trung Hoa, và đến ngày 22 tháng 9 năm 1940 thì Nhật dùng áp lực buộc Toàn Quyền Pháp Decoux phải để cho họ kéo quân vào Đông Dương. Lúc kéo quân vào Đông Dương, Nhật lấy cớ mượn các sân bay Bắc Kỳ và đường sắt Hà Nội -Vân Nam để tiếp tế cho lực lượng Nhật ở Trung Hoa đánh bọc hậu Tưởng Giới Thạch, nhưng đến ngày 9-3-1945 thì họ đảo chính hẳn thực dân Pháp. Đảo chính Pháp, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, nhưng trên thực tế, họ là nước thực dân mới mà chính sách cai trị còn hà khắc hơn Pháp rất nhiều. Từ khi Nhật kéo quân vào Đông Dương cho tới lúc đầu hàng Đồng minh thì sự tranh giành giữa hai con chó cùng hờm một miếng mồi, nên người Việt Nam cũng chia ra hai ba phe đấu tranh với nhau; phe thân Pháp, phe thân Nhật và phe chống cả hai bên! Cũng từ ngày Nhật kéo quân vào Đông Dương hì bao nhiêu quyền lợi của thực dân Pháp ở Việt Nam mất dần mất mòn, vì chui trọn vào tay Nhật, và sau khi Nhật đầu hàng thì xảy ra ra vụ cướp chính quyền của người Việt Nam. Ngay từ năm 1944, khi nước Pháp được quân đội Đồng minh giải phóng, Tây thực dân đã nghĩ tới việc quay trở lại với những quyền lợi ở Đông Dương. Tướng De Gaulle, trong một bài diễn văn đọc tại Congo Brarzaville ngày 30-1-1944 cũng đã đề cập đếm một chính sách thuộc địa mới. Bài diễn văn của tướng De Gaulle lúc bấy giờ chỉ ý vuốt ve quần chúng các nước bị trị, giữ cho họ đừng ngả về phe phát xít Nhật mà làm thiệt hại đến quyền lợi người Pháp, chứ không ai tin rằng De Gaulle lại thật tâm muốn trao trả độc lập lại cho các thuộc địa, dầu là một nền tự trị hay quân trị cũng đừng mong. 
 Linh mục Cao văn Luận trong cuốn Bên Giòng Lịch Sử vừa mới do nhà Trí Dũng xuất bản tại Sài gòn hồi thâng 9-1972, cho biết trong giới Việt kiều ở Pháp hồi bấy giờ, có kẻ cũng ngây thơ, dựa vào bài diễn văn của De Gaulle cứ tin tưởng rằng sau chiến thắng, Pháp sẽ có một chính sách cởi mở hơn đối với các thuộc địa. Tuy trong bài diễn văn đọc tại Congo Brazaville ngày 30-1-1944, tướng De Gaulle có tuyên bố nước Pháp dưới quyền lãnh đạo của ông, sẽ tìm cách làm cho các dân tộc thuộc địa tiến bộ đến trình độ có thể tự trị, nhưng trước đó, De Gaulle đã từ chối cung cấp vũ khí cho Việt Minh để liên kết với Pháp chống Nhật. Việc De Gaulle, không chấp nhận cung cấp khí giới cho Việt Minh, một phần sợ Việt Minh sẽ dùng chính thứ khi giới đó quật lại Pháp sau này theo kiểu gậy ông đập lưng ông, nhưng phần khác cũng vì Việt Minh tuyên bố đứng về phe Đồng minh, điều mà Pháp De Gaulle không muốn chút nào. Tâm địa người Pháp thực dân lúc này thật hết sức mâu thuẫn, một đằng nhờ lực lượng hùng hậu của Đồng Minh giải phóng nước Pháp, và và muốn nhờ lực lượng này đánh bại Nhật ở Viễn Đông, đồng thời giúp Pháp trở lại Đông Dương. Nhưng đằng khác, họ lại sợ một trong những nước Đồng minh đang giúp họ, sẽ nắm cơ hội, đoạt hết tất cả mọi quyền lợi mà Pháp đã gây dựng ngót 100 năm ở Đông Dương. Tâm địa này được bộc lộ rõ ràng trong bức điện của tướng De Gaulle gửi Bảo Đại hôm 20-8-1954. Bức điện nói rằng ng rất tiếc không thể gửi sang Đông Dương một vị Toàn Quyền mới như lời đã hứa, vì “một chính đảng Việt Nam đã đi đôi với các nước Đồng minh”. Bức điện, cũng báo cho Bảo Đại biết chiếc thiết giáp hạm Richelieu trên đường sang Đông Dương đã nhận được lệnh dừng lại tại Tích Lan cho tới khi có lệnh mới, đồng thời khuyên tất cả người Pháp ở Đông Dương bình tĩnh, chờ cơ hội thuận lợi hơn. Qua ngày 25-8-1945, trong một cuộc họp báo tại New-Delhi (thủ đô Ấn Độ), tướng De Gaulle tuyên bố huỵch toẹt rằng Pháp nhất quyết lấy lại Đông Dương, vì đó là vấn đề sinh tử của nước Pháp. Khi De Gaulle tuyên bố như thế thì một binh lực gồm bảy ngàn người, dưới quyền chỉ huy của đô đốc d’Argenlieu đã sẵn sàng nối gót quân đội Anh đổ bộ Sài gòn. Trong các nước thực dân cũ, chỉ có Pháp bị kết án là lạc hậu nhất. Pháp hơn các quốc gia tư bản châu Âu khác ở chỗ được thừa hưởng gia tài của cuộc cách mạng 1789; cuộc cách mạng này vĩ đại không kém cuộc cách mạng vô sản tháng Mười ở Nga Sô năm 1917 hay cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Hoa. Cuộc cách mạng đó nếu đã đốt sáng “Ngọn đuốc tự do” soi khắp thế giới thì nó lại càng làm tăm tối tăm hơn đa số người Pháp, vì đã dùng võ lực xâm lăng và đặt ách đô hộ lên đầu nhiều dân tộc nhược tiểu. Đốt sáng lên “Ngọn đuốc tự do” mà chính bản thân người Pháp thực dân người Pháp u mê, không hiểu rõ tình hình và mọi biến chuyển thế giới sau chiến tranh thế giới II. Ai cũng biết sau chiến tranh thế giới II, toàn bộ các nước tư bản châu Âu tan rã, không còn đủ lực để tái thiết mẫu quốc chứ đừng nói tới việc duy trì thuộc địa. 
Các dân tộc nhược tiểu đã lạc hậu, nhưng họ cũng nhân cơ hội đế quốc tư bản châu Âu kiệt quệ đã vùng lên đấu tranh đòi độc lập, đòi chủ quyền, và hễ cái gì càng bị đè nén áp bức nhiều chừng nào thì sức đề kháng càng mãnh liệt chừng ấy. Lại nữa, trong Chiến tranh thế giới II, chủ tâm của Nga Sô và Hoa Kỳ ngoài việc dốc toàn lực đánh bại phe trục Đức-Ý-Nhật, còn muốn nhân cơ hội, loại trừ thế lực cùng ảnh hưởng các nước thực dân tư bản cũ tại những thuộc địa, để biến nó thành ảnh hưởng và thị trường của riêng mình. Điều này khỏi cần chứng minh thì ai cũng trông thấy rõ, vì sau chiến tranh thế giới II, các nước thực dân cũ đều mất hết thuộc địa; nào Pháp, nào Anh, nào Bỉ, nào Bồ Đào Nha, nào Tây Ban Nha v.V. chẳng ai giữ được mảnh đất hải ngoại nào trong tay; và các nước bị trị cũ như Việt Nam, Nam Dương, Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan v.v. cả những nước thuộc khối Ả Rập - Phi Châu như Maroc, Tunise, Angerie, Madagasca, Congo thuộc Bỉ, thuộc Pháp v.v... đều nối tiếp nhau tuyên bố độc lập, rồi thì hoặc nằm trong vùng ảnh hưởng của Mỹ, hoặc nằm trong vòng ảnh hưởng Nga Sô. Kết quả cuộc chiến tranh thế giới II đã làm đảo lộn hẳn tình hình thế giới và hiện thời, đừng nói các nước bị trị, ngay cả những quốc gia trước có rất nhiều thuộc địa, và từng được xếp vào hạng Ngũ Cường như Anh với Pháp chẳng hạn, cũng phải xoay quanh quỹ đạo của Hoa Kỳ, không thể nào tách ra được. Tình hình thực tế trước mắt như vậy mà thực dân Pháp vẫn ngoan cố bám gót quân Anh đổ bộ Sài gòn, gây cuộc chiến tranh Việt-Pháp kéo dài gần chín năm, và biến thành quá trình của cuộc chiến tàn khốc hiện tại. Chắc chắn ai cũng nhìn nhận rằng chiến tranh Việt-Pháp 1946-1953 là giai đoạn mở đầu cho chiến tranh Việt Nam hiện nay. Giả sử Pháp không ngoan cố, không lạc hậu, đừng dại dột gây nên cuộc chiến đó thì hiện tình Việt Nam ngày nay ra sao?

No comments:

Post a Comment