Vì không đủ phương tiện theo dõi những biến chuyển lớn lao trên thế giới nên cụ Phan và những người trong Quang Phục Hội không thấy rõ bản chất của đế quốc Nhật, xét đoán người Nhật theo lối suy diễn bằng cảm tính, tưởng cùng giống da vàng với nhau, cùng theo chế độ quân chủ như nhau thì sẽ giúp nhau tận tình, nào ngờ Nhật Bản cũng nuôi mộng đế quốc, từng cất quân xâm lược Triều Tiên và Mãn Châu. Chính vì thế mà trong chuyến lặn lội sang Nhật Bản với bao nhiêu gian lao nguy hiểm, cả đi lẫn về mất ròng rã 8 tháng trời, sứ mạng cầu ngoại viện của cụ Phan Bội Châu hoàn toàn thất bại, nước Nhật dù thắng trận, họ cũng chẳng giúp được gì cho cụ Phan dầu một khẩu súng, một viên đạn. Lần đầu tiên chân ướt chân ráo sang Nhật, cụ Phan Bội Châu tuyệt đối chẳng quen biết ai, may nghe tiếng Lương Khải Siêu - một nhà cải cách Trung Hoa, đang lưu vong tại Hoành Tân, làm Chủ bút tờ “Tân Dân Tuần Báo” bèn viết thư xin yết kiến. Lương Khải Siêu là một đại học giả của nước Tàu, sáng tác hàng ngàn cuốn sách giá trị, bị Từ Hi thái hậu kết án tử hình vì “xúi” vua Quang Tự cải cách nên phải bỏ nước lưu vong sang Nhật. Tiếp kiến cụ Phan Bội Châu, thấy cụ có tấm lòng yêu nước nồng nàn và đang muốn mưu đồ đại sự, Lương Khải Siêu rất kính phục, nhưng khi nghe cụ Phan trình bày mục đích chuyến đi là định nhờ người Nhật viện trợ khí giới để chống Pháp thì họ Lương tỏ vẻ buồn rầu, giải thích tường tận tình hình thế giới lúc bấy giờ cho cụ Phan hay, rồi khuyên cụ muốn cứu nướcc, trước hết người Việt Nam phải tin tưởng vào chính người Việt Nam, chớ không thể trông cậy vào bất cứ ngoại bang nào. Chuyến đi cầu ngoại viện thất bại, cụ Phan Bội Châu trở về nước vào tháng 8-1905, và nhờ rút bài học chua cay nên cụ quyết vận động trong giới thanh niên bí mật tổ chức, gửi họ sang Nhật ăn học. Phong trào gửi du học sinh Việt Nam sang Nhật do cụ Phan Bội Châu đề xướng, kết quả rất khả quan, có hàng trăm thanh niên được bí mật gửi đi. Gửi thanh niên đi đã đành, cụ Phan Bội Châu còn gây phong trào ra sức vận động quyên tiền trong nước để giúp du học sinh, và vì thế nên công việc bị bại lộ. Khi biết được tin tức có nhiều thanh niên Việt Nam đã bí mật sang Nhật học quân sự và văn hoá; đồng thời trong nước có những “thương hội” quyên tiền gửi giúp du học sinh thì chính phủ Pháp bèn dùng đường lối ngoại giao, đặc nhượng cho Nhật một vài quyền lợi kinh tế - thương mại trên bán đảo Đông Dương, với điều kiện chính phủ Nhật Bản phải giải tán tổ chức du học sinh Việt Nam và trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ Nhật. Công cuộc ngoại giao của Pháp thành công mỹ mãn, bao nhiêu du học sinh Việt Nam đang hoạt động hoặc đang theo học ở các trường tại Nhật - trong số đó có Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội bị trục xuất ra khỏi đất Phù Tang. Bị trục xuất họ ra khỏi Nhật Bản, những nhà cách mạng và những du học sinh Việt Nam phải bôn đào, kẻ thì sang Hương Cảng - Áo Môn, người thì đến Thái Lan, tất cả đều sống trong hoàn cảnh khốn đốn, bơ vơ, vì đến bất kỳ chỗ nào cũng có con mắt cú vọ của thực dân Pháp dòm ngó. Bài học cầu viện Nhật Bản thật chua cay cho những nhà ái quốc Việt Nam đến nỗi cụ Phan Chu Trinh, năm 1906, sau khi sang Nhật Bản quan sát mấy tuần lễ, phải trở về nước mở phong trào đi diễn thuyết khắp nơi, nói rõ cho mọi người biết rằng “sự trông cậy vào viện trợ của Nhật để cứu nhân dân thoát khỏi ách thực dân là một hy vọng viển vông”. Lời hô hào của cụ Phan Chu Trinh đã làm khựng lại phần nào phong trào quyên tiền, gửi thanh niên sang du học Nhật Bản. Người ta chỉ có thể nói cụ Phan Bội Châu đã thất bại trong việc mưu cầu ngoại viện nơi Nhật Bản, chứ không thể nói phong trào Đông Du chẳng mang lại thành công. Không một cuộc cách mạng nào trên thế giới từ cổ chí kim mà chẳng phải đương đầu với lắm gian nan thử thách. Công cuộc vận động cách mạng Việt Nam cũng một lẽ ấy, phải trải muôn vàn khó khăn, phải tốn bao nhiêu tâm huyết nghị lực, và phải hy sinh nhiều máu xương. Điều đáng nói là sau khi thất bại trong việc mưu cầu ngoại viện Nhật Bản, những người làm cách mạng Việt Nam lại ngước mắt nhìn vào nước Tàu nhân cuộc cách mạng 10-10-1911 thành công. Và tiếp đến, một số khác nhìn vào Nga sô qua cuộc cách mạng vô sản 1917. Quả thật cách mạng Việt Nam đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân tộc ở Trung Hoa và cuộc cách mạng vô sản ở Nga sô; vì thế mới xảy ra những cuộc tranh chấp kéo dài, gây nên nguyên nhân gần đưa tới chiến tranh hiện nay. Sau khi bị Pháp dùng đường lối ngoại giao yêu cầu Nhật Bản trục xuất hết ra khỏi bán đảo Phù Tang, những nhà cách mạng và các du học sinh Việt Nam phải tản mát mỗi người một phương, nhưng sau cách mạng tháng 10-1911 ở Tân Trung Hoa sẽ giúp cách mạng Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp. Hồi này, củng hộ Phan Bội Châu đang ở Xiêm, nghe tin cách mạng Tàu thành công cũng lật đật trở lại Hương Cảng, rồi sau đó đi Thượng Hải để tìm sự giúp đỡ. Cụ Phan ở Thượng Hải một thời gian, liên lạc với nhân vật này đến nhân vật khác trong tân chính quyền cách mạng Trung Hoa, nhưng nhân vật nào cũng bảo cụ Phan “hãy chờ”, và cuối cùng, Trần Kỹ Mỹ, tân Thống đốc Thượng Hải, giúp cụ hai ngàn đồng! Thất vọng, cụ Phan Bội Châu bỏ Thượng Hải về Quảng Châu, tìm tới một nhân vật cách mạng khác của Trung Hoa là Hồ Hán Dân - người đang nắm nhiều quyền hành - nhưng Hồ Hán Dân cũng chỉ hứa suông mà chẳng giúp cụ Phan một chút gì thiết thực cả. Giữa lúc những người làm cách mạng Việt Nam đang chạy đôn chạy đáo tìm hậu thuẫn và tìm viện trợ nơi ngoại bang thì ở trong nước, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục phát triển, và lợi dụng dịp Pháp đang vướng chân vướng tay vào trận Thế Chiến thứ nhất (1914-1918) nên có nhiều cuộc bạo động nổ bùng. Đáng kể nhất là cuộc bạo động do Quang Phục Hội chủ mưu xảy ra từ 1911 đến 1916; và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917-1918 do Trịnh văn Cấn, Lương Ngọc Quyến lãnh đạo, ám sát một số người Pháp và đánh một vài đồn binh lẻ tẻ của Pháp. Kết quả cuộc Thế Chiến thứ nhất và sự thành công hoàn toàn của cuộc cách mạng vô sản tháng Mười ở Nga sô, đã ảnh hưởng đến tình hình thế giới nói chung và những nước nhược tiểu bị trị nói riêng, trong đó có Việt Nam. Hồi này, số thanh niên Việt Nam xuất dương đã khá nhiều không phải chỉ sang Trung Hoa mà sang cả châu Âu nữa, đặc biệt là sang Pháp. Thành phần xuất dương hồi bấy giờ đa số là binh lính do Pháp tuyển đưa sang mẫu quốc chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất; kế đến là lao động thợ thuyền, rồi du học sinh và những nhà cách mạng. Lúc bấy giờ, bên Trung Hoa, Quốc Dân đảng nắm chính quyền, nên một số các nhà làm cách mạng Việt Nam cũng bắt chước, thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng. Bên châu Âu, qua sự thành công của cuộc cách mạng vô sản 1917 ở Nga, và qua việc phong trào Đệ Tam quốc tế được thành lập năm 1919, nên có nhiều Đảng Cộng Sản được thành lập. Tại Pháp, một số đảng viên đảng Xã hội có tư tưởng cấp tiến cũng tách rời ra để thành lập Đảng Cộng Sản Pháp và gia nhập Đệ tam quốc tế. Tại Trung Hoa, năm 1921, Đảng Cộng Sản cũng thành hình với nhóm khởi đầu là Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông v.v. Những biến chuyển đó như một luồng gió mới, hay như một cơn lốc, xoay vần vũ tư tưởng nhiều người, nhiều thành phần mà những nhà trí thức và những người làm cách mạng Việt Nam nhất định cũng phải bị ảnh hưởng. Nếu trước đây, những người yêu nước Việt Nam chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao mua sắm thật nhiều khí giới để vũ trang nhân dân nổi lên đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà, thì sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Hoa, một số đã có tư tưởng thành lập đảng phái chính trị. Sau khi cuộc cách mạng vô sản 1917 Nga sô thành công thì ý tướng thành lập đảng phái chính trị đã trở thành cũ xưa, và một số khác muốn tiến tới giai đoạn đấu tranh giai cấp theo chủ nghĩa Mác Lê, và muốn thành lập Đảng Cộng Sản.
Những người chịu ảnh hưởng sớm nhất của cuộc cách mạng vô sản 1917 ở Nga là Nguyễn Ái Quốc - tức Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cùng quê với cụ Phan Bội Châu. Hồ Chí Minh lúc đầu làm bồi tàu cho Pháp, sau sang Paris làm nhiều nghề khác như thợ bánh mì, thợ chụp hình v.v. và được cụ Nguyễn Thế Truyền dạy thêm Pháp văn. Trước tiên, Hồ Chí Minh gia nhập đảng Xã hội Pháp, rồi sau đó theo nhóm cấp tiến, tách rời đảng Xã hội để thành lập Đảng Cộng Sản. Người thứ hai là Nguyễn Xích, tức Bùi Lâm, làm việc dưới tàu thủy Pháp, thường xuyên đi lại giữa Việt Nam-Marseille, và lợi dụng những chuyến đi này tự mang các tài liệu tuyên truyền từ Pháp về Việt Nam. Người thứ ba là Tôn Đức Thắng, làm thủy thủ trên tàu Paris - một chiến hạm của hải quân Pháp. Trong khoảng từ 1923-1925, ba người trên đã bí mật chuyển về Việt Nam những tài liệu, sách báo xuất bản ở Pháp nói về chủ nghĩa Cộng sản; đồng thời bí mật thu dấu một số thanh niên dưới tàu để đưa họ sang Pháp. Còn một số khác ở Quảng Châu, Quảng Đông bên Trung Hoa, nguyên trước trốn sang Nhật trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, cũng có tư tưởng Mác-xit, muốn tiến tới thành lập Đảng Cộng Sản như ở Trung Hoa. Những người này cũng gửi tài liệu tuyên truyền về nước và tìm cách đưa một số thanh niên trí thức sang Trung Hoa theo họ. Từ khi chịu ảnh hưởng của hai cuộc cách mạng Tàu và Nga, những nhà làm cách mạng Việt Nam liền chia thanh hai phe, mỗi phe có một đường lối hoạt động riêng. một mục đích riêng, hoàn toàn đối chọi. Những người chỉ có một mục đích thuần tuý là đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà thì lo thu dấu vũ khí, tìm dịp ra tay, dù nhỏ hay lớn, miễn giết chết được những tên thực dân Pháp là thỏa lòng rồi, vì thế nên mới xảy ra vụ liệt sĩ Phạm Hồng Thái liệng bom mưu sát toàn quyền Merlin hôm 19-6-1924 ở Sa Điện (tô giới Pháp trong tỉnh Quảng Châu bên Trung Hoa), nhưng bất thành, phải nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Còn những người khác có xu hướng đấu tranh chính trị thì lo tổ chức, lo học tập, lo tuyên truyền lôi kéo thêm đồng chí về phe mình, và thế là các cuộc tranh cướp xảy ra, đi đến những vụ bội phản, tố cáo những nhân vật có nhiều uy tín trong hàng ngũ cách mạng Việt Nam với thực dân Pháp, hoặc tìm cách ám sát lẫn nhau.
Vì chia rẽ nên những người cùng trốn ra ngoài làm cách mạng, không đứng chung trong một tổ chức, một hàng ngũ, mà lại chia năm xẻ bảy, nào Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội thành lập khoảng tháng 6 năm 1925; nào Tân Việt Cách Mạng đảng thành lập tháng 7-1927; nào Việt Nam Quốc Dân đảng thành lập ngày 25-12-1927; nào Đảng Cộng Sản Việt Nam; nào Đảng Cộng Sản Đông Dương v.v... Làm thầy rầy ma, càng nhiều đảng càng thêm chia rẽ và càng đẻ ra lắm cuộc tranh chấp, khơi mào cho một cuộc chiến tranh cốt nhục. Những đảng phái có mục đích, tôn chỉ, đường lối đấu tranh khác nhau, tranh chấp với nhau đã đành; ngay những người cùng một chủ trương, nhiều khi cũng chia rẽ nhau nữa. Chẳng hạn như hồi tháng 8-1929, một số người tự nhận là Mác-xít, đứng ra thành lập Đảng Cộng Sản; rồi đến ngày 16-6-1929, một nhóm khác cũng tự nhận là Mác-xít, lại thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương, và qua tháng 10 năm ấy, một nhóm khác nữa thành lập An-nam Cộng Sản đảng. Những người Mác-xít cùng một nước mà lại riêng rẽ thành lập nhiều chi bộ Cộng sản là một hiện tượng quái lạ, mãi về sau, nhờ sự can thiệp của Cộng sản quốc tế nên các nhóm này mới thống nhất nhau để thành lập Việt Nam Cộng Sản đảng (tháng Giêng 1930), rồi lại đổi tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương. Sự hình thành các chính đảng tại Việt Nam bắt nguồn từ hai cuộc Cách mạng Trung Hoa và Nga sô; do đó, cuối cùng chỉ còn lại hai đảng hoạt động song song với nhau: Việt Nam Quốc Dân đảng theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên, dựa vào thế lực Quốc Đân Đảng Trung Hoa để hoạt động - và Đông Dương Cộng Sản đảng theo chủ nghĩa duy vật của Các Mác, Lenin, dựa vào thế lực Nga sô mà bành trướng. Ngoài hai chính đảng lớn trên đây, còn một số đảng lẻ tẻ khác, nhưng không có thể lực, thiếu lãnh đạo, nên dần đã bị khối này hoặc khối kia thu hut, chẳng gây được ảnh hưởng nào đáng kể trong quần chúng. Việt Nam Quốc Dân đảng hình như lo hoạt động bề nổi nhiều hơn là tăng cường lãnh đạo, nên vội vã tổ chức những vụ ám sát, những cuộc khởi nghĩa trong khi thế lực đảng chưa được phát triển cũng cố, đến nỗi bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao, đảng trưởng Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí trung kiên khác bị xử tử, bị bắt cầm tù hoặc bôn đào ra hải ngoại.
Dẫu vậy, đảng cũng phát triển tổ chức được nhiều chi bộ khắp ba kỳ Trung - Nam - Bắc. Ở Bắc Kỳ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hà Nội, Hải Phòng v.v... là những chỗ Quốc Dân đảng có cơ sở vững. Ở Trung Kỳ thì các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, còn ở Nam Kỳ thì Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Định Tường, Bến Tre, Bình Dương.v.v... là những nơi đang có thực lực. Vì tổ chức bạo động, khởi nghĩa hấp tấp nên đảng bị khủng bố dã man, và sau khi đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp xử tử thì đảng bắt đầu lủng củng chia rẽ. Hai cuộc bạo động, khởi nghĩa đáng kể nhất của Việt Nam Quốc Dân đảng là vụ tổ chức ám sát tên thực dân Pháp Bazin, chuyên mộ phu phen người Việt đi khai thác hầm mỏ và trồng đồn điền cao su, và cuộc khới nghĩa Yên Bái đêm 9-2-1930. Theo chương trình, cuộc khởi nghĩa Yên Bái có một tầm mức rộng lớn, muốn tiến tới chỗ cướp chính quyền ở cả Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh khác trên toàn miền Bắc, nhưng vì thiếu tổ chức, thiếu phương tiện thông tin, liên lạc, nội bộ lại không đoàn kết nhất trí, thành thử cuộc khởi nghĩa đâm ra lẻ loi, rời rạc, tuy có giết được một số thực dân Pháp, chiếm được phủ Lâm Thao một thời gian, song thắng lợi đó so với việc đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí khác bị bắt, bị xử tử; cơ sở đảng bị tan rã thì quả là một sự thất bại. Thực sự lúc phôi thai, nội bộ Việt Nam Quốc Dân đảng cũng chia rẽ phức tạp, nên thực dân Pháp đã lợi dụng gài gián điệp vào để lũng loạn, phá hoại; và kết quả là sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, thực dân Pháp quăng một mẻ lưới bắt gần trọn những nhân vật lãnh đạo đảng.
Nếu sách lược đấu tranh của Việt Nam Quốc Dân đảng mang về hình thức bạo động, ám sát cá nhân thì trái lại, Đảng Cộng Sảng Đông Dương chỉ chuyên huấn luyện, tổ chức đảng viên và quần chúng hướng về đấu tranh giai cấp bằng nhiều hình thức. Trong khi hai chính đảng cùng tổ chức, cùng phát triển, cùng lo tranh thủ quần chúng thì tất nhiên va chạm phải xảy ra. Những va chạm đó lúc đầu còn đóng khung hạn hẹp giữa hai chính đảng, nhưng cho tới khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ thì vì nhiều nguyên nhân xa thúc đẩy, nó biến thành một cuộc đấu tranh đẫm máu rộng lớn giữa chính quyền Cộng sản và chính quyền quốc gia.
No comments:
Post a Comment